MV Nếu ngày ấy – Ý nghĩa hay phản cảm

Rate this post

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày từ khi mới chỉ nhá hàng sản phẩm, MV “Nếu ngày ấy” của Soobin Hoàng Sơn đã thu hút được một lượng lớn sự chú ý từ công chúng. Nhờ vậy, lượt view của video đã tăng chóng mặt ngay ở thời điểm công chiếu trên nền tảng Youtube. Thế nhưng, không lâu sau đó “Nếu ngày ấy” bị Youtube chính thức tuýt còi, người xem buộc phải đăng nhập và hồ sơ tài khoản trên 16 tuổi mới có thể tiếp cận MV.

Vấn đề đặt ra ở đây là MV “Nếu ngày ấy” có thực sự phản cảm hay những nội dung ý nghĩa của MV không may mắn bị Youtube cho vào danh sách giới hạn độ tuổi.

Thông điệp mà ekip của “Nếu ngày ấy” muốn gửi gắm

Theo chia sẻ từ ekip sản xuất, họ đã cố gắng xây dựng kịch bản với nhiều chi tiết nút thắt và cao trào để khiến MV có thể truyền tải thông điệp “Ngưng bạo hành trong gia đình” một cách sống động, chân thực nhất. Đồng thời, khiến người xem phần nào chú ý nhiều hơn đến tính chất nghiêm trọng của căn bệnh trầm cảm – một căn bệnh đang dần trở nên phổ biến trong xã hội của chúng ta ngày nay.

Truyền tải thông điệp qua MV “Nếu ngày ấy”

Ngưng bạo hành gia đình

Nhân vật nữ chính trong MV là một cô gái đã kết hôn cùng một người đàn ông giàu có, thành đạt. Cô được mặc những bộ trang phục lộng lẫy, sống trong một căn biệt thự to đẹp. Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân của cô lại chẳng hề hạnh phúc. Trên gương mặt xinh đẹp của cô luôn có những dấu vết bị chính chồng mình bạo hành. Theo cách này, hay cách khác, rất nhiều những chi tiết hình ảnh trong MV đều ám chỉ đến việc bạo hành xảy ra thường xuyên, liên tục và tạo nên ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đến cô gái.

Cô gái thậm chí còn luôn cảm thấy sợ sệt khi phải tiếp xúc với chồng mình – người đáng lẽ sẽ yêu thương và chiều chuộng cô nhất. Điều đáng sợ là cô gái ấy còn không đủ dũng cảm để thoát ra khỏi khó khăn, đau khổ của chính bản thân mà tự mình đắm chìm trong đó. Ngay cả khi Soobin Hoàng Sơn tìm cách đưa bàn tay về phía cô, giúp cô bước ra khỏi căn nhà đáng sợ đó, cô gái cũng chỉ biết lặng lẽ nuốt nỗi đau và đứng về phía người chồng đã luôn đánh đập mình.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm

MV đã sử dụng nhiều khuôn hình khác nhau để miêu tả nội tâm, sự hoảng sợ của cô gái. Ở phần cuối MV, tình trạng trầm cảm nghiêm trọng của nữ nhân vật chính này còn được kể lại một cách trực tiếp qua phân đoạn bức thư. Cuối cùng thì cô gái đã không thể thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm và tìm đến phương thức để tự giải thoát bản thân.

Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Cách thể hiện vấn đề bạo lực gia đình

Trước MV “Nếu ngày ấy” có rất nhiều những video, những bộ phim khác cũng khai thác đến vấn đề bạo lực trong gia đình. Có MV thể hiện các tình tiết đó một cách kín đáo, âm thầm, khiến người xem không trực tiếp nhìn thấy nhưng cũng cảm nhận được chuyện đó đã xảy ra. Ngược lại, giống với “Nếu ngày ấy” nhiều video lựa chọn lột tả nó một cách chân thực nhất, lột trần mức độ tàn bạo và ảnh hưởng nghiêm trọng mà bạo lực gia đình đã gây ra.

Mỗi cách có cái hay riêng và hiệu quả riêng trong việc truyền tải nội dung thông điệp. Tuy nhiên ở “Nếu ngày ấy” các cảnh bạo lực tất nhiên sẽ bị kiểm duyệt một cách nghiêm ngặt hơn vì nhiều người xem cảm thấy không thoải mái khi đối diện với những hình ảnh như vậy. Dù ekip của Soobin Hoàng Sơn có lường trước được tình huống và tự đặt mác 16+ cho MV nhưng với hình ảnh ở mức độ như vậy thì quyết định từ Youtube có thể xem là khá hợp lý

Cái kết bi thương nhưng không mang nặng chi tiết lên án

Sau tất cả những diễn biến tình cảm kịch tính, MV “Nếu ngày ấy” khép lại với một cái kết đầy bi thương cho tất cả mọt nhân vật, khép lại một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, kết thúc một cuộc sống đau đớn và sợ hãi, chấm dứt một mối tình lặng thầm suốt từ thời thanh xuân,… Nếu bạn thực sự đặt tâm trạng của mình khi theo dõi nội dung của “Nếu ngày ấy” thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối và đau khổ các nhân vật xuất hiện trong MV.

Mặc dù vậy, nếu xét ở khía cạnh thông điệp lên án bạo lực gia đình thì cái kết câu chuyện làm chưa tới. Nạn nhân cuối cùng vẫn là nạn nhân. Nữ nhân vật chính đã phải mất đi tất cả chỉ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc và đầy khổ đau ấy. Để rồi cuối cùng, người gây ra tất cả mọi đau đớn cho cô dường như không phải trả giá quá nhiều. Anh ta dường như vẫn không hề nhận ra sai lầm của bản thân và lời xin lỗi sau cùng được nói cũng chỉ vì sợ hãi, không phải vì hối hận.

Cái nhìn về những người trầm cảm

Một vấn đề sau cùng mà “Nếu ngày ấy” cũng như rất nhiều các sản phẩm truyền thông khác đề cập đến trầm cảm đều mắc phải đó là cách nhìn nhận về người bị trầm cảm. Đa phần đều cho rằng khi bị trầm cảm họ sẽ không thể hồi phục và thường dẫn đến việc tự tìm cái chết. Trên thực tế, những người bệnh hoàn toàn có thể được hỗ trợ điều trị và trở lại thành một người bình thường, khỏe mạnh.

Tất nhiên, chi tiết này được lồng ghép một phần chính là để đẩy cao trào của cốt truyện lên đến tận cùng trước khi khép lại MV, đồng thời cũng có quan điểm cho rằng cách thể hiện như vậy mới có thể tạo ra tác động mạnh mẽ đến nhận thức . Thế nhưng, đã có những cuốn sách về tâm lý chỉ ra rằng việc dạng nội dung này được lặp lại ở nhiều nơi khiến chúng ta dễ dàng hiểu sai, nhận thức sai về trầm cảm, khiến người bệnh khó khăn hơn để tiếp cận điều trị.

Thêm nữa, hàng loạt các chi tiết thể hiện việc nhân vật nữ bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần xuyên suốt MV về cơ bản đã được thực hiện rất xuất sắc. Nó giúp người xem cảm nhận được nỗi đau mà người bị trầm cảm đang phải đối mặt và gánh chịu hàng ngày, giống như một sự tra tấn không hồi kết. Chỉ dừng ở đây có lẽ cũng đã đủ để khiến người xem phải ngẫm nên một cái kết bình yên và tốt đẹp có lẽ sẽ hợp ý, vừa lòng người hơn.

Nếu bạn đủ 16 tuổi, có lẽ bạn vẫn nên tự mình xem MV của Soobin Hoàng Sơn để thưởng thức âm nhạc cảm xúc, MV được đầu tư kỹ lưỡng và tự mình đánh giá, suy ngẫm về câu chuyện, thông điệp trong “Nếu ngày ấy”.

=> Nghe những ca khúc hay nhất của Soobin Hoàng Sơn tại Nhac.vn

Ngoc Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *