Sở hữu đến hơn 20 cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản, Phỉ Ngã Tư Tồn là cái tên nhận được rất nhiều sự chú ý trong giới văn học hiện đại ở Trung Quốc. Điểm đặc biệt nhất trong các sáng tác của cô khiến người đọc “vừa yêu, vừa hận” chính là những câu chuyện tình cảm với cái kết không có hậu, khiến người đọc lúc nào cũng cảm thấy đau lòng, day dứt.
Thông tin về tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn
Bút danh của Phỉ Ngã Tư Tồn
“Phỉ Ngã Tư Tồn” trích trong thơ cổ Kinh thi (Xuất kỳ đông môn – Trịnh Phong). Trong câu thơ, “Phỉ nghĩa là không phải, “Ngã” nghĩa là ta, “Tư” nghĩa là nhớ nhung, suy nghĩ. Cả câu thơ này được dịch là “Tôi vẫn ở đây mà anh đã ở bên kia chân trời”. Ở những tác phẩm đầu tiên, tác giả sử dụng bút danh Tư Tồn và Phí Tiểu Tồn, về sau mới chuyển hẳn sang Phỉ Ngã Tư Tồn. Đây cũng là cái tên được nhiều bạn đọc biết đến và ghi nhớ.
Ngoài bút danh đầy chất thơ và giàu ý nghĩa này, tác giả cũng được các fan và công chúng đặt cho những biệt danh riêng. Nổi nhất có lẽ là danh hiệu “Bi tình thiên hậu” đại diện cho tài năng, sự yêu thích và phong cách sáng tác của nữ tác giả. Tuy nhiên, Phỉ Ngã Tư Tồn còn bị fan tặng cho một biệt danh thú vị khác là “mẹ ghẻ” vì chuyện “đối xử” tệ bạc với chính những nhân vật mà mình đắp nặn.
Tiểu sử Phỉ Ngã Tư Tồn
Phỉ Ngã Tư Tồn sinh ngày 26/12/1978 tại Hồ Bắc, Trung Quốc, tên thật là Ngải Tinh Tinh. Cô nổi tiếng nhờ những sáng tác trên mạng trước khi có khả năng xuất bản đến trên 20 tiểu thuyết và giữ kỷ lục tiêu thụ sách như hiện nay. Phỉ Ngã Tư Tồn rất ít nhận các buổi phỏng vấn. Đa phần những thông tin về nữ tác giả đều do fan tích góp từ những câu chuyện, chia sẻ đời thường của Phỉ Ngã Tư Tồn.
Hiện nay, trong số 20 đầu sách đã được xuất bản, có 11 cuốn đã được mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Đặc biệt, “Đông Cung” và “Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ” mới ra mắt trong thời gian vừa qua đều được công chúng yêu thích và đón nhận.
Những truyện hay nhất của Phỉ Ngã Tư Tồn
Đông cung
“Đông cung” là một trong những cuốn sách hay và tiêu biểu nhất cho phong cách viết của Phỉ Ngã Tư Tồn. Câu chuyện về cuộc đời và mối tình đầy bi ai, oan trái của một cặp đôi hoàn toàn đối lập nhau. Tiểu Phong là cửu công chúa của Tây Lương, lớn lên trong sự sủng ái, bản tính tươi sáng pha lẫn một chút ngang ngạnh với tâm hồn đầy tự do. Trong khi đó Lý Thừa Ngân, thái tử đông cung lại luôn sống trong sự giả dối, tranh đấu quyền lực.
Tình yêu của họ là một câu chuyện rất đẹp và lãng mạn, ngay cả khi quên tất cả ký ức về đối phương họ vẫn thu hút lẫn nhau. Thế nhưng địa vị, hoàn cảnh và cả sự đối lập trong tính cách của hai người đã khiến mọi thứ hoàn toàn vỡ vụn, họ chẳng thể quay trở về bên nhau.
Gấm rách
“Gấm rách” là tác phẩm “bị ghét” nhiều nhất của Phỉ Ngã Tư Tồn vì câu chuyện quá mức bi thương và đau lòng. Ba người Phó Thánh Hâm, Dịch Chí Huy và Giản Tử Tuấn vì thế hệ trước mà họ đã không thể sống cuộc đời của riêng mình hay có được một tình yêu chân thành.
Tử Tuấn nói yêu Thánh Hâm nhưng lại tìm cách dồn cha cô vào chỗ chết. Thánh Hâm từ bỏ đoạn tình cảm thanh mai trúc mã này, tìm đến sự giúp đỡ của Dịch Chí Huy để trở nên mạnh mẽ, gánh vác được sự nghiệp đang xuống dốc không phanh của cha cô. Vậy nhưng, không có sự giúp đỡ nào miễn phí nhất là khi cha Thánh Hâm là người đã hại cả gia đình Chí Huy trở nên tan nát.
Điều đáng buồn nhất xảy ra với Thánh Hâm có lẽ chính là việc cô lại đi yêu Dịch Chí Huy. Không nhận được sự tin tưởng càng không nhận được một chút tình cảm nào, đến sau cùng Thánh Hâm nhận ra rằng mình luôn chỉ là con rối trong trận chiến giữa Chí Huy và Tử Tuấn.
Giai kỳ như mộng
“Giai kỳ như mộng” sở hữu cốt chuyện buồn đến ám ảnh, thê lương. Tình yêu của Mạnh Hòa Bình, Chính Đông và Giai Kỳ được Phỉ Ngã Tư Tồn đan xen, lồng ghép một cách khéo léo. Cả ba người họ đều mong muốn người mình yêu được hạnh phúc và sau cùng tự nhận về đau khổ cho chính bản thân mình.
Mạch chuyện nếu để tóm gọn lại chính là xoay quanh một từ “tiếc nuối”. Họ gặp nhau, có được những tình cảm đẹp đẽ, rực rỡ nhất nhưng nó lại tan biết một cách quá chóng vánh như khi tỉnh lại từ giấc mộng. Đến khi thực sự ân hận thì đã quá muộn để có thể hàn gắn và thay đổi mọi chuyện.
Không kịp nói yêu em
“Không kịp nói yêu em” khai thác câu chuyện vào thời kỳ Dân quốc loạn lạc. Định mệnh đã kéo hai trái tim của Doãn Tỉnh Uyển và Mộ Dung Phong lại với nhau nhưng rồi họ lại không thể ở bên nhau.
Mộ Dung Phong bị buộc phải lựa chọn giữa tình yêu với Tỉnh Uyển và trách nhiệm bảo vệ sáu tỉnh Giang Bắc. Trong khi đó, Doãn Tỉnh Uyển vì tiếp nhận sự giáo dục phương Tây không chấp nhận được một tình yêu quá mức yếu ớt trước hoàn cảnh, số phận đã quyết định rời khỏi Mộ Dung Phong.
Hai người ly biệt đến 8 năm và trong khoảng thời gian này, vô số những biến cố đã phát sinh. Mộ Dung Phong chấp nhận một cuộc hôn nhân chính trị. Tỉnh Uyển lại trở lại với một cô con gái. Những hiểu lầm, ân hận, giằng xé vẫn cứ tiếp diễn giữa hai người trong khi họ còn chưa một lần có thể bày tỏ tình cảm chân thành dành cho nhau.
Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ
Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ” cũng là một mối tình đầy bi thương khác trong thời kỳ Dân quốc. Dịch Liên Khải chỉ vì một lần gặp gỡ mà nhất kiến chung tình, tìm mọi cách để Tần Tang đồng ý kết hôn cùng anh. Còn Tần Tang vì muốn cứu giúp gia tộc cũng chấp nhận bước vào cuộc hôn nhân này. Thế nhưng cuộc sống hôn nhân của hai người sau đó lại vô cùng lạnh nhạt, hờ hững như những người xa lạ.
Cho đến khi ván cờ chính trị thực sự bắt đầu, những bí mật và cuộc chiến tranh giành quyền lực âm thầm diễn ra người đọc mới nhận ra rằng tất cả những gì Dịch Liên Khải làm là nỗ lực bảo vệ Tần Tang, ngay cả việc thờ ơ, lạnh nhạt với cô.
Nhưng rồi mọi thứ không còn nằm trong tầm kiểm soát của Dịch Liên Khải, bản thân anh không thể bước chân khỏi cuộc chiến ấy cũng còn đủ năng lực để bảo hộ Tần Tang. Anh ép cô rời đi, ép cô phải quên mình. Nhưng trớ trêu thay đó cũng là thời điểm mà Tần Tang thực sự nhận ra tình cảm mà cô dành cho anh.