7 trò chơi dân gian phổ biến nhất cho bé

5/5 - (1 vote)

Thay vì để các bé tiếp xúc quá nhiều với trò chơi điện tử trên những thiết bị di động, các bậc phụ huynh có thể dạy trẻ một số trò chơi dân gian bổ ích. Những trò chơi này sẽ giúp cho trẻ em phát triển cả khía cạnh thể chất lẫn tinh thần, đồng thời đây cũng là một phương pháp hiệu quả để lưu truyền những nét văn hóa dân gian đặc sắc.

Ô ăn quan

Để chơi Ô ăn quan, bạn cần chuẩn bị một bàn chơi và những quân chơi. Bàn chơi gồm 10 ô vuông nhỏ chia thành 2 hàng, mỗi ô chứa 5 quân dân thường. Hai đầu bàn chơi kẻ hình chữ nhật lớn hoặc hình bán nguyệt là 2 ô quan, chỉ chứa duy nhất 1 quân quan có kích thước lớn hơn quân thường. Có thể duy định quan bằng 5 hoặc 10 quân dân thường tùy theo người chơi lựa chọn.

Sau khi quyết định lượt, người chơi chọn một ô dân ở phía bên mình, di chuyển theo chiều kim đồng hồ và ở mỗi ô phải thả một quân dân. Khi thả hết số quân dân trong tay, nếu ô tiếp theo chứa dân thì lấy số quân ở đó rải tiếp, nếu ô tiếp theo trống thì được ăn số dân ở ô kế tiếp về mình. Trong trường hợp cả hai ô đều trống thì người chơi mất lượt.

Bạn sẽ giành chiến thắng khi số dân bạn thu về nhiều nhất so với những người chơi khác. Dù luật chơi khá đơn giản nhưng bạn sẽ cần áp dụng các chiến thuật cực kỳ linh hoạt để đảm bảo phần thắng cho chính mình.

Trốn tìm

Trốn tìm là trò chơi quen thuộc mà bạn gần như có thể chơi ở bất kỳ không gian nào. Một người sẽ phải đi tìm và những người còn lại sẽ là người trốn. Người tìm sẽ quay lưng lại hoặc úp mặt vào tường và đếm từ 1 đến 100. Người trốn sẽ phải tranh thủ tìm nơi ẩn nấp kỹ lưỡng trong khoảng thời gian này. Sau khi người tìm đến xong, họ sẽ bắt đầu việc tìm kiếm những người đang trốn.

Trò chơi có thể kết thúc theo nhiều cách khác nhau. Cách phổ biến nhất là người sống sót đến cuối cùng, không bị tìm ra sẽ thắng và trở thành người đi tìm trong ván tiếp theo. Một cách khác là những người trốn phải tranh thủ lúc người tìm không chú ý, chạy nhanh về “sân nhà” ban đầu để dành phần thắng.

Rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây thích hợp cho một nhóm từ 5 – 10 người trong những không gian rộng rãi. Một người sẽ đóng vai thầy thuốc. Những người còn lại sẽ nối đuôi nhau thành một đoàn với người đi đầu là người linh hoạt, khỏe mạnh và có khả năng che chắn tốt cho những bạn phía sau.

Khi di chuyển, đoàn người sẽ đọc theo đoạn sau:

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?”

Nếu thầy thuốc trả lời là “Không” (hoặc những dị bản khác như đi chơi, đi ngủ, đi chợ,…) đoàn sẽ tiếp tục di chuyển và đọc lại những câu ở trên. Còn nếu thầy thuốc trả lời là “Có”, đoàn dừng lại và người đứng đầu tiếp chuyện thầy thuốc.

Thầy thuốc: “Rồng rắn đi đầu”

Người đứng đầu: “Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con”

Tiếp tục đối đáp vui vẻ theo kịch bản quen thuộc dưới đây.

– Con lên mấy?

– Con lên một

– Thuốc chẳng hay

– Con lên hai.

– Thuốc chẳng hay.

Đến khi thầy thuốc vừa ý và trả lời “Thuốc hay vậy”, thầy thuốc sẽ hỏi tiếp “Cho xin khúc đầu?”

– “Những xương cùng xẩu”

– Cho xin khúc giữa?

– Chẳng có gì ngon

– Cho xin khúc đuôi?

– Tha hồ mà đuổi.

Sau khi trả lời câu này, thầy thuốc sẽ đuổi bắt người cuối cùng của đoàn. Khi đó, người đứng đầu phải tìm cách để chặn thầy thuốc, bảo vệ những người phía sau. Các thành viên trong đoàn phải đảm bảo di chuyển theo người đứng đầu, không để bị đứt đoàn. Nếu người “khúc đuôi” bị bắt thì trò chơi kết thúc, người này sẽ làm vai thầy thuốc trong lần chơi tiếp theo.

Chi chi chành chành

Một người được chọn sẽ xòe bàn tay ra giữa. Những người khác đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay và đọc theo bài đồng dao:

“Chi chi chành chành.

Cái đanh thổi lửa.

Con ngựa chết chương.

Ba vương ngũ đế.

Chấp chế đi tìm

Ù à ù ập

Đóng sập cửa … vào”

Khi nói đến chữ “vào”, người đang xòe bàn tay sẽ nắm tay lại nhanh nhất có thể để bắt được những người chơi chưa kịp rút ngón trỏ. Người bị bắt lại sẽ là người xòe tay trong lần chơi tiếp theo.

Bịt mắt bắt dê

Trong trò chơi này, tất cả mọi người sẽ nắm tay và đứng thành vòng tròn. Người bị bịt mắt sẽ đứng giữa đi lùng bắt những người đang xung quanh. Sau khi bắt được một người nào đó, người bịt mắt phải đoán đúng tên người đó để giành chiến thắng và đổi vai cho người bị bắt. Trong trường hợp đoán sai, vòng tròn tiếp tục di chuyển để đánh lừa người bị bịt mắt.

Ở một vài nơi, người tham gia không nhất thiết phải đứng thành vòng tròn mà có thể dịch chuyển tự do trong ba bước, sau đó đứng yên để người bịt mắt đi tìm.

Nu na nu nống

Những người chơi sẽ ngồi sát cạnh nhau và duỗi thẳng chân ra. Tất cả cùng đọc theo bài đồng dao và trong lúc đọc sẽ vỗ theo nhịp lên chân của từng người. Khi hết bài đồng dao, chân ai ở nhịp của từ “trống” phải co chân đó lên. Người thắng sẽ là người còn lại sau cùng.

“Nu na nu nống 

Đánh trống phất cờ 

Mở cuộc thi đua 

Chân ai sạch sẽ 

Gót đỏ hồng hào 

Không bẩn tí nào 

Được vào đánh trống”

Bài đồng dao này có thể sẽ có đôi chút khác biệt ở từng vùng khác nhau nhưng luật chơi của Nu na nu nống thì vẫn tương tự.

Cá sấu lên bờ

Trước khi chơi, bạn cần kẻ sẵn vạch để xác định khu vực bờ – nước hoặc các bạn có thể tự quy ước trước với nhau những khu vực nào được tính là bờ. Chọn một người làm cá sấu, được di chuyển trong phần nước. Những người khác sẽ đứng trên bờ để đảm bảo an toàn, không bị cá sấu bắt.

Tùy thuộc vào luật chơi, những người trên bờ sẽ phải thò chân xuống nước hoặc di chuyển giữa các khu vực bờ. Cá sấu khi đó cần nhanh chân bắt những người đứng dưới nước hoặc chưa kịp đứng cả hai chân trên bờ.

Với những trò chơi đơn giản, hấp dẫn được đề cập trong bài viết, các bé sẽ có những khoảng thời gian vui chơi lành mạnh, thú vị và dễ dàng kết thân thêm bạn bè mới. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thêm thời gian để tự hướng dẫn và chơi cùng bé. 

Ngoc Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *